PHÒNG CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI
Theo Báo cáo tổng hợp từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An, từ đầu năm đến nay dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 51 hộ thuộc 27 xã tại 09 huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Bến Lức, TP. Tân An với tổng số lượng tiêu hủy là 1.455 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 77.243,9 kg. Dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ gia tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng trong thời gian tới ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, sức khỏe của người dân và môi trường.
Bệnh Dịch tả heo Châu Phi là bệnh do virus gây ra. Bệnh có thể lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài heo, mọi lứa tuổi của heo và tỉ lệ chết gần như 100% với heo nhiễm bệnh.
Bệnh lây thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật nhiễm virus như: Heo nhiễm bệnh, chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và thức ăn chứa thịt lợn nhiễm bệnh. Bệnh không lây sang người tuy nhiên người là một trong những tác nhân gây phát tán bệnh.
Bệnh Dịch tả heo Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày. Heo sốt, thân nhiệt cao hơn 40oC, không ăn hoặc ăn ít, ủ rũ, lười vận động, nằm, phân bón,...
- Heo có biểu hiện đau vùng bụng, vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới ngực và bụng, … có thể có màu đỏ sẫm, xanh tím.
- Heo chết đột ngột, phủ tạng (tim, phổi, ruột, thận, …) xuất huyết.
Để chủ động phòng chống bệnh DTHCP, người chăn nuôi heo cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp tốt nhất:
+ Thường xuyên vệ sinh, sát trùng tại cơ sở chăn nuôi, các phương vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất.
+ Diệt các nguồn truyền lây bệnh như côn trùng, loài gặm nhấm... để tránh mang mầm bệnh phát tán ra bên ngoài.
+ Vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi.
+ Thường xuyên theo dõi sức khỏa vật nuôi, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, chuồng trại mát vào ban ngày và ấm về đêm.
+ Không mua con giống không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch (từ ngoài tỉnh) về nuôi.
+ Không mua, bán thịt heo không có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thức ăn thừa hay chưa được nấu chín từ heo.
2. Tiêm phòng vắc xin: Tiêm phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi với sự hướng dẫn và giám sát của ngành thú y. Ngoài ra, chủ động tiêm phòng các bệnh khác như Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả heo cổ điển…
Hiện nay, trên thị trường có 02 loại vắc xin NAVET-ASFVAC cải tiến và AVAC ASF LIVE tiêm phòng phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi cho heo khỏe mạnh từ 4 tuần đến 10 tuần tuổi, tiêm 01 mũi, 01 liều vắc xin/con, tiêm bắp thịt.
Chống chỉ định:
+ Không tiêm heo nái, nái mang thai và heo đực giống.
+ Không tiêm cho heo có thể trạng yếu, đang sốt, bị bệnh mãn tính và ăn uống kém.
3. Cách xử lý khi phát bệnh Dịch tả heo Châu Phi
Chủ hộ chăn nuôi sau khi phát hiện đàn heo có triệu chứng bệnh Dịch tả heo Châu Phi phải nhanh chóng báo cho cơ quan thú y gần nhất và tuân thủ yêu cầu thực hiện chống dịch của cơ quan thú y, không được bán chạy đàn heo./.